Từ bỏ công việc quản lý kinh doanh tại một công ty ở thành phố với mức lương ổn định, Hồ Thế Mỹ quyết định gác lại sau lưng tất cả, về quê cải tạo đất rẫy của gia đình làm nông nghiệp sạch.
Anh Hồ Thế Mỹ (SN 1992, trú xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), là phó Chủ nhiệm câu lạc bộ khởi nghiệp, sáng tạo huyện Buôn Đôn. Hiện tại, anh đang bao tiêu sản phẩm măng tây cho bà con các huyện ở tỉnh. Anh Mỹ cho biết, hiện nay diện tích trồng măng tây hơn 10ha, trong đó của người dân khoảng 60% rải rác các huyện, còn lại là của công ty anh.
Anh Mỹ chọn măng tây xanh để khởi nghiệp |
Anh Hồ Thế Mỹ tốt nghiệp chuyên ngành huấn luyện viên, trường Đại học Thể dục Thể thao TPHCM. Năm 2014 ra trường, anh thử sức nhiều công việc khác nhau. Sau đó anh vào làm quản lý cho một công ty tại thành phố với mức lương khá.
Quá trình trồng và chăm sóc cây phải đúng kỹ thuật |
Kể về quyết định từ bỏ công việc của mình, anh cho biết, xuất thân từ gia đình làm nông ở vùng quê đất đai cằn cỗi. Bố mẹ anh cũng như các hộ dân trồng nhiều loại cây theo thời vụ nhưng đầu ra phải phó mặc thời vận, hiệu quả thấp. Anh muốn đưa măng tây xanh trở thành một trong những cây đặc thù của vùng đất Buôn Đôn, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. Suy nghĩ đó đã đưa anh về với nương rẫy, biến anh thành người nông dân thực thụ.
“Tôi là người ăn chế độ thực dưỡng, lần đầu tiên được ăn măng tây cảm giác rất ngon, nhiều dinh dưỡng nhưng giá thành khá cao. Tôi tìm hiểu thấy măng tây hợp khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, và thị trường rất ưa chuộng. Tôi đến vùng nguyên liệu lớn ở các tỉnh học hỏi. Khoảng hơn 1 tháng nằm vùng tại tỉnh Ninh Thuận, thấy bà con làm nhiều nhưng khí hậu thổ nhưỡng không được như Đắk Lắk. Tôi quyết định về quê khởi nghiệp”, anh chia sẻ.
Trở về quê sau một thời gian “tầm sư học đạo”, anh Mỹ lên phương án thực hiện ý tưởng đã ấp ủ. Năm 2018, anh trồng thử nghiệm măng tây xanh giống của Mỹ và Hà Lan trên 5 sào rẫy của gia đình. Say mê với nông nghiệp hướng hữu cơ từ nhỏ, có kiến thức, đam mê và chiến lược phát triển, sản phẩm sạch từ măng tây của anh đã được thị trường đón nhận. Một số hộ dân trong vùng tò mò về cây măng tây. Họ đến vườn anh mong muốn được học hỏi để trồng. Anh đầu tư giống, hỗ trợ kỹ thuật, thu mua sản phẩm cho bà con.
Mỗi năm măng tây cho thu hoạch 8-9 tháng |
Huyện Lắk, Krông Búk và một số huyện rải rác trên địa bàn tỉnh, đều có vùng nguyên liệu, bà con đã trồng trước đó. Qua tìm hiểu thị trường, anh Mỹ nhận thấy, người tiêu dùng đang lo ngại về thực phẩm không an toàn, nhất là tồn dư chất bảo quản thực vật. “Tôi liên kết với các hộ nông dân trồng măng tây trên địa bàn tỉnh, xây dựng mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nhằm tạo ra những sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường”, anh Mỹ cho biết.
Theo anh Mỹ, ban đầu, anh đi khắp nơi giới thiệu sản phẩm và đưa cho khách hàng bán thử. Khi chính họ trực tiếp dùng, thấy sản phẩm an toàn và chất lượng, tin tưởng lấy hàng lâu dài.
Sản phẩm măng tây của anh Mỹ tham gia cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh |
Hiện, măng tây công ty anh Mỹ làm đến đâu được thu mua đến đó, nhờ thế sản phẩm không lo bí đầu ra. Để đảm bảo lượng hàng cung cấp cho người tiêu dùng, anh Mỹ thu hoạch theo hình thức xen kẽ, bình quân 12-13kg/sào/ngày; sau khi trừ chi phí, 1 sào măng tây cho lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm.
Mỗi năm, doanh nghiệp chỉ thu hoạch tầm 8-9 tháng, thời gian còn lại cho cây nghỉ “dưỡng sức”, tiếp tục đẻ nhánh thay thân mẹ để khỏi phải đầu tư lại giống. Tuổi thọ cây khi trồng thương mại có thể dài từ 5-6 năm. Hiện tại, bên cạnh tiêu thụ trong tỉnh, phần lớn mặt hàng này được công ty anh Mỹ xuất tới thị trường tiềm năng là TPHCM với 65 -70% sản lượng.
Theo anh Mỹ, so với các giống cây trồng khác, hiệu quả kinh tế từ mô hình này cao gấp nhiều lần. Mỗi nhà vườn khi canh tác 2 sào (2000m2), có thể cho thu nhập 13-17 triệu đồng/tháng.
“Cùng với việc mở rộng diện tích cây măng tây xanh tại địa phương, tôi và các cộng sự trong công ty sẽ hướng đến để đa dạng sản phẩm và tăng giá trị của măng tây trên thị trường như: trà măng tây, măng tây sấy khô, bột măng tây dinh dưỡng, măng tây muối chua”, anh Mỹ thông tin.
Mô hình trồng măng tây là mô hình mới tại huyện |
Anh Nguyễn Quang Trung, Bí thư huyện đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Buôn Đôn nhận xét, mô hình trồng măng tây của anh Mỹ là mô hình mới, áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ, đạt năng suất cao. Mô hình này phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ của huyện, sẽ là một trong những hướng đi mới cho thanh niên có thể học tập. Bên cạnh đó, Huyện đoàn còn hướng mô hình này kết hợp với trải nghiệm du lịch nông nghiệp trồng măng tây, là điểm thăm quan học hỏi của thanh niên trong và ngoài huyện.
(https://tienphong.vn/chang-trai-bo-viec-quan-ly-ve-que-trong-mang-tay-lam-giau-post1372561.tpo)